Vận hội mới cho chứng khoán Việt năm 2021

19/02/2021 | Tin Chứng khoán

Việc triển khai cơ chế CCP (đối tác bù trừ trung tâm) cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ là tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng cũng như là cơ hội giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ mới... 

Vận hội mới cho chứng khoán Việt năm 2021

Từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực với nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Một trong những thay đổi được thị trường quan tâm liên quan đến mô hình tổ chức của Trung tâm Lưu ký chứng khoán  – một tổ chức trung gian thị trường cực kỳ quan trọng, nơi thực hiện các công việc ngoài giao dịch như: thanh toán, bù trừ, lưu ký chứng khoán. 

Trước thềm năm mới Tân Sửu, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Nguyễn Sơn chia sẻ về những thay đổi quan trọng này.

Theo Luật Chứng khoán mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Na (VSD) sẽ chuyển đổi mô hình thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Như vậy, so với mô hình hiện nay có gì khác biệt, thưa ông?

Theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, VSD sẽ hoạt động theo mô hình Tổng công ty với tên gọi mới là Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN. So với mô hình hiện tại, ngoài chức năng tổ chức thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoàn tất giao dịch chứng khoán cho các chứng khoán niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

Việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN, theo Luật Chứng khoán năm 2019, sẽ giúp VSD nâng tầm vị thế, mở rộng hơn nữa khả năng cung cấp dịch vụ và hỗ trợ giao dịch cho thị trường như triển khai chức năng đối tác trung tâm (Central Counterparty – CCP) cho không chỉ thị trường chứng khoán phái sinh mà cả thị trường chứng khoán cơ sở; đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng thay vì việc khách hàng phải đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, cũng như mở rộng và hoàn thiện hệ thống thành viên của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Vậy lộ trình triển khai việc chuyển đổi này như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, VSD đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để ban hành Quyết định về thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các bước triển khai theo Luật Chứng khoán. Sau khi đi vào hoạt động, chắc chắn đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD góp phần vào việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển.

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc chuyển đổi mô hình mới là triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thay đổi tích cực này?

Theo quy định hiện nay, trong hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán, VSD đóng vai trò là tổ chức vận hành hệ thống thanh toán, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán cho các bên tham gia giao dịch. Theo cơ chế này, VSD không chịu trách nhiệm cuối cùng về các rủi ro thanh toán trong trường hợp các bên tham gia giao dịch rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Để đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, VSD có áp dụng các biện pháp hỗ trợ thanh toán như sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thiếu tiền, vay chứng khoán, lùi thời hạn thanh toán và cuối cùng là từ chối thanh toán giao dịch chứng khoán. Trong trường hợp phải lùi thời hạn thanh toán hoặc từ chối thanh toán giao dịch chứng khoán thì thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán phải bồi thường cho các bên liên quan.

Triển khai quy định của Luật Chứng khoán 2019 và để phù hợp với thông lệ quốc tế, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản pháp lý liên quan đã quy định mô hình bù trừ, thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho giao dịch chứng khoán của thị trường chứng khoán cơ sở, trong đó VSD thông qua hoạt động thế vị trở thành một đối tác của giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ là đối tác còn lại của giao dịch.

Về mặt hệ thống, các chức năng liên quan đến cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trong hoạt động bù trừ thanh toán cũng đã được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin mới do Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư mà VSD là một trong các bên thụ hưởng.

Khi triển khai mô hình CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở, hoạt động bù trừ thanh toán sẽ có 3 thay đổi chủ yếu.

Thứ nhất, sức mua của nhà đầu tư sẽ được tăng lên đáng kể khi thay vì phải có đủ 100% tiền trước khi mua như hiện nay, nhà đầu tư có thể chỉ phải ký quỹ tiền cho mỗi lệnh mua dự kiến thực hiện theo một tỷ lệ nhất định theo yêu cầu của thành viên bù trừ và số tiền phải thanh toán còn lại sẽ nhà đầu tư nộp cho thành viên bù trừ trước khi thanh toán.

Thứ hai, thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện khi nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về sẽ được áp dụng ngay khi triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do các tính năng liên quan đã được tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin mới cũng như khung pháp lý cho các giao dịch này đã tiếp tục được hoàn thiện.
 

Thứ ba, công tác quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán được nâng cao, hoàn thiện theo hướng VSD thông qua cơ chế thế vị tham gia vào giao dịch để đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán, đồng thời bổ sung thêm nhiều lớp phòng vệ rủi ro như nâng cao tiêu chí làm thành viên bù trừ, ký quỹ giao dịch chứng khoán, đóng góp Quỹ bù trừ theo phương pháp định lượng rủi ro (stress test), sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro và nguồn vốn của VSD sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, cơ chế mua vào bắt buộc (buyin), chuyển sang thanh toán bằng tiền...

Theo đó, tôi tin rằng việc triển khai cơ chế CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở sẽ là tiền đề quan trọng cho việc nâng hạng cũng như là cơ hội giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam có được bước phát triển mạnh mẽ mới.

Ông dự báo thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán 2021?

Bước sang năm 2021, theo quan điểm cá nhân tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động đa chiều từ bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, nhưng thị trường sẽ vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020.

Việc dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán năm 2021. Bên cạnh đó, trên nền những thành công mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được năm 2020, đồng thời khi Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, hệ thống công nghệ thông tin mới của toàn thị trường được triển khai sẽ tạo nền tảng pháp lý và công nghệ mới giúp nâng tầm thị trường, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các thành viên thị trường.

Ngoài ra, việc tái cấu trúc thị trường với sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, việc chuyển đổi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, cũng như việc tái cơ cấu các tổ chức tham gia thị trường, tái cơ cấu nguồn cung cũng hứa hẹn sẽ đưa thị trường phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả với nhiều dấu ấn mới.

Nếu phải miêu tả thị trường chứng khoán 2021 ngắn gọn bằng một từ thì ông sẽ dùng từ nào?

Theo cá nhân tôi, đối với thị trường chứng khoán, năm 2021 thuận lợi và thời cơ sẽ nhiều hơn nguy cơ và thách thức; nếu biết nắm bắt thuận lợi và thời cơ để vượt qua năm 2021 ngoạn mục thì năm 2021 sẽ là năm tạo ra bước tiến quan trọng đưa thị trường lên tầm cao mới với các nấc thang giá trị mới và khẳng định được vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế, nên tôi cho rằng "Vận hội" sẽ là từ phù hợp cho thị trường trong năm 2021.

VSD đã chuẩn bị ra sao cho năm 2021, thưa ông?

Bám sát xu hướng phát triển mới của thị trường và chủ trương, chính sách của Chính phủ trong phát triển thị trường chứng khoán cũng như để hoàn thành các nhiệm vụ mà Bộ Tài chính, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đặt ra cho VSD, năm 2021 VSD sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường chứng khoán.

Một là, triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo Luật Chứng khoán năm 2019 sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, hoàn thành hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ sau giao dịch trong gói thầu 04 "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh hướng tới triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm đối với thị trường chứng khoán cơ sở; nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ.

Ba là, triển khai các dịch vụ, sản phẩm mới: vận hành hệ thống cổng giao tiếp điện tử với các tổ chức phát hành; cung cấp các dịch vụ cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo lộ trình phát triển sản phẩm được phê duyệt; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD.

Bốn là, phối hợp với HNX triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (HĐTL TPCP) kỳ hạn 10 năm và tiếp tục nghiên cứu triển khai hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới; triển khai các giải pháp cơ cấu, hỗ trợ thị trường chứng khoán theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Năm là, nghiên cứu triển khai một số nghiệp vụ mới: đăng ký tài khoản tổng và chứng chỉ lưu ký (DR), dịch vụ sổ cổ đông điện tử (E-passbook); ứng dụng công nghệ thông tin (big data, blockchain, fintech) vào hoạt động nghiệp vụ của VSD nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và nhà đầu tư trong thời đại công nghệ 4.0.

Tôi xác định đây là những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi rất nhiều thời gian và các nguồn lực thực hiện từ phía VSD. Nhưng với kết quả đã đạt được trong năm 2020, cùng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của cơ quan quản lý, sự phối hợp hiệu quả của các thành viên thị trường, tôi tin tưởng rằng, VSD sẽ tiếp tục vững bước, vượt qua những khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2021, góp phần quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ phù hợp với thông lệ tốt nhất của quốc tế.

Tác giả bài viết: Theo Hoàng Linh-VnEconomy

Nguồn tin: Cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây