Nhịp đập Thị trường 04/05: Tâm lý tiêu cực trở lại, VN-Index rớt hơn 18 điểm

04/05/2022 | Tin Chứng khoán

Thị trường giảm đều về cuối phiên và kết thúc ở vùng điểm số thấp nhất trong ngày. VN-Index rớt 18.12 điểm, VN30-Index mất 27.72 điểm và HNX-Index lùi 4.86 điểm. Thêm vào đó, thanh khoản cũng không cải thiện.

Rổ VN30, vốn có tỷ trọng lớn là các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, một lần nữa giảm dưới mốc 1,390 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục rớt giá so với giữa phiên chiều. Một số mã có diễn biến nổi bật như VIB (-6.05%), TCB (-4.55%), TPB (-4.76%) và SSI (-4.62%), FTS (-6.45%), BVS (-6.59%). Trong đó, TCB là mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index.

Ngành thủy sản hạ nhiệt khi cổ phiếu VHC đánh mất hoàn toàn đà tăng trong ngày và các mã khác cũng co hẹp mức tăng.

Tâm lý tiêu cực cũng lan sang nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng, khi MSN giảm 2.5% và VNM sụt giá 2.3%.

Trong phiên hôm nay, cổ phiếu tiện ích năng lượng vẫn giữ được sự tích cực với việc GAS (+1.9%) và POW (+6.8%) là hai mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index.

Khối ngoại kết phiên với giá trị bán ròng gần 284 tỷ đồng, cũng là ngày thứ tư liên tiếp bán ròng.

Dù vừa trải qua một nhịp hồi phục điểm số trong những ngày giao dịch gần đây (từ 26-29/04) nhưng tâm lý thị trường chung vẫn còn nặng trĩu, ít giao dịch. Tình trạng thanh khoản mất hút trước đó được một số chuyên gia gán cho hiệu ứng trước kỳ nghỉ lễ thì nay vẫn tiếp tục diễn ra.

13h45: Cổ phiếu ngành tài chính đồng loạt suy yếu

Bộ ba bất động sản – ngân hàng – chứng khoán tiếp tục là tội đồ ghì chặt lấy VN-Index. Trong khi đó, thanh khoản mất hút khỏi thị trường.

Đến 13h45, giá trị giao dịch tại HOSE chỉ mới vượt qua ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng, trong khi tại HNX là 2.2 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản vẫn thấp và chưa có dấu hiệu sẽ sớm cải thiện. Nỗi lo và nỗi sợ thua lỗ trong một môi trường bất định có lẽ đã chiếm lấy tâm trí giới giao dịch.

Ngành chứng khoán và ngân hàng diễn biến tiêu cực hơn so với phiên sáng, khi các cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh hơn.

Một nhóm ngành sụt giảm nặng nề trong phiên hôm nay là vật liệu. Trong đó, cổ phiếu thép nhuốm màu tiêu cực khi mã đầu ngành HPG sụt 1.8% và HSG giảm chạm sàn.

Tuy vậy, nếu xét trên độ rộng thị trường tính đến 13h56 thì lại không quá tiêu cực, với số cổ phiếu tăng (395 mã) không hoàn toàn bị áp đảo so với số cổ phiếu giảm (479 mã). Trong đó, các biến động cực đại cũng không được nhìn thấy quá nhiều với 35 mã tăng kịch trần và 23 mã giảm sàn.

Phiên sáng: VN30 suy yếu trên nền thanh khoản thấp

Kết phiên sáng, thị trường không cho thấy dấu hiệu khởi sắc nào so với đầu giờ giao dịch. Thanh khoản vẫn thấp và những nhóm ngành vốn hóa lớn vẫn bị áp đảo bởi sắc đỏ.

Giá trị giao dịch đối với toàn nhóm VN30 chỉ xấp xỉ 2.5 ngàn tỷ đồng. Chỉ số này sụt mất 13.09 điểm trong phiên sáng trước áp lực đến từ ngành ngân hàng và bất động sản. Trong khi đó, các mã vốn hóa lớn trong ngành tiện ích năng lượng như POW (+6.8%), GAS (+3%), PLX (+2.1%) lại xanh chín và giải tỏa bớt một phần áp lực cho chỉ số.

Các chỉ số đại diện đều giảm điểm nhưng vẫn có sắc xanh tại một số khu vực, nhóm ngành như thủy sản (VHC, IDIANVFMC,…), tiện ích (GAS, POW, BWE,…), khai khoáng (PVSPVDPVC,…), vận tải (HVNGMDTMS,…). Điều này đồng nghĩa thị trường vẫn đang diễn biến phân hóa mạnh chứ không tiêu cực một cách đồng bộ, tuy nhiên, các ngành tăng giá lại chiếm tỷ trọng vốn hóa nhỏ nên không đủ để làm trụ lực cho toàn thị trường.

Trên tổng thể tam sàn, khối ngoại bán ròng nhưng với giá trị không lớn (127.8 tỷ đồng) vào sáng nay, dàn đều khắp các cổ phiếu. Tuy nhiên, đáng chú ý là các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đáng kể cổ phiếu HPG (42 tỷ đồng).

Trạng thái ảm đạm vẫn hiện hữu tại thị trường sau kỳ nghỉ lễ. Thanh khoản biến mất một cách đột ngột trong những ngày giao dịch vừa qua. Trong ba ngày giao dịch liền trước (từ 27-29/04), giá trị giao dịch trung bình tại HOSE chỉ ở mức hơn 15.5 ngàn tỷ đồng, trong khi mức trung bình vào quý 1/2022 là 26 ngàn tỷ đồng.

Các chỉ số liên tục giảm điểm và thanh khoản mất hút khó được xem là dấu hiệu tích cực, đặt giữa bối cảnh thị trường đang đối diện loạt thông tin về siết chặt kiểm soát kỷ cương sàn chứng khoán, siết tín dụng bất động sản,… cũng như những thông tin quốc tế quan trọng liên quan đến lạm phát và hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các ngân hàng trung ương khác trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ.

Mở cửa: Bất động sản chìm sâu

Các chỉ số VN-Index, VN30-Index, HNX-Index khởi đầu phiên sáng với sắc đỏ đồng loạt, dù các mức giảm điểm không quá tiêu cực.

Tuy vậy, trên bình diện toàn thị trường thì số cổ phiếu giảm (339 mã) không hơn nhiều so với số cổ phiếu tăng giá (313 mã).

Thanh khoản sau hơn 40 phút giao dịch tương đối cầm chừng. Tại HOSE, giá trị giao dịch đến 9h41 ở mức 2.3 ngàn tỷ đồng và tại HNX là 333 tỷ đồng.

Các nhóm ngành có diễn biến phân hóa. Trong khi thủy sản, tiện ích, vận tải thể hiện sự khả quan thì các ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán ảm đạm.

Riêng đối với ngành bất động sản, gần như mọi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành đều giảm giá. Bộ đôi VIC (-1.7%) và VHM (-1.2%) cũng là hai mã tạo áp lực giảm điểm lớn nhất lên VN-Index tính đến 9h44.

Trong sáng nay, ngành thép cũng chứng kiến sự suy giảm của một loạt cổ phiếu từ đầu ngành như HPG cho đến tầm trung như NKGSMCPOM, hay vốn hóa nhỏ hơn như VPGTLH. Đáng chú ý, cổ phiếu HSG rớt giá đến 5.7% sau khi doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận quý đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tác giả bài viết: Thừa Vân - FILI

Nguồn tin: vietstock.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây