Thế giới sẽ ứng phó ra sao nếu thiếu dầu từ Nga?
Khi giá dầu tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ khủng hoảng tài chính 2008, ngành năng lượng bắt đầu đặt ra một câu hỏi chưa ai nghĩ tới trước đó: Thế giới sẽ ứng phó như thế nào nếu phải từ bỏ dầu của Nga?
Thứ hai tuần này (07/03), giá dầu có lúc lên sát ngưỡng 140 USD/thùng, giá ngũ cốc tăng mạnh và kim loại công nghiệp leo thang khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và phản ứng của phương Tây tiếp tục đe dọa đến nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho kinh tế toàn cầu. Đà leo dốc diễn ra giữa lúc giá các nguyên liệu thô đã trải qua nhiều tuần leo thang liên tiếp và góp phần tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Giá dầu và hàng hóa tăng vọt sau tuyên bố cuối tuần của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thảo luận về một lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu của Nga. Và rồi ngày 08/03, Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu, khí thiên nhiên hóa lỏng, than đá từ Nga. Quyết định này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong phản ứng của phương Tây đối với xung đột tại Ukraine.
Trong khi đó châu Âu lại bị đặt vào thế khó, vì phụ thuộc vào dầu của Nga ở mức độ lớn hơn nhiều so với Mỹ. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nền kinh tế lớn nhất EU vẫn sẽ tiếp tục mua khí đốt tự nhiên, dầu và than từ Nga. Ngày 08/03, phía EU cam kết sẽ giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong năm nay.
"Tính toán chính trị ở đây là bất kỳ tổn thất nào cũng tốt hơn là đưa tiền cho Moskva", Paul Horsnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Standard Chartered, chia sẻ.
Trước khủng hoảng Ukraine, xuất khẩu các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đáp ứng khoảng 7.5% nhu cầu thế giới. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến công vào Ukraine, nhiều nhà lọc dầu đã tạm ngưng nhập khẩu. Họ gặp khó khăn trong quá tình tìm kiếm nguồn vốn và tàu để chở dầu từ Nga, đồng thời cũng lo sợ bị tổn hại về danh tiếng.
Năm ngoái, khoảng 8% kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm dầu thô và tinh chế của Mỹ đến từ Nga trong năm ngoái. Nếu lệnh cấm được áp dụng, các nhà máy lọc dầu nước này sẽ phải tìm nguồn cung thay thế về dầu nhờn, dầu nhiên liệu – vốn được Mỹ sử dụng để lọc thanh xăng.
Thách thức ở châu Âu và Mỹ có thể được giải quyết bằng cách tái định hình lại dòng chảy dầu trên khắp thế giới: Châu Âu sẽ mua nhiều dầu thô hơn từ Biển Bắc, Tây Phi và Trung Đông bù vào phần dầu mất đi từ Nga. Tuy nhiên, Amrita Sen, Chuyên gia tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, thị trường dầu mỏ dịch chuyển khá chậm, do đó việc chuyển nguồn cung từ nơi này sang nơi khác cũng không hề đơn giản.
Nguồn cung dầu vốn đã thiếu hụt trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Tháng 12/2021, các kho dự trữ dầu thương mại trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ở mức 2.68 tỷ thùng, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Đây là mức thấp nhất trong bảy năm.
Mỹ và các đồng minh đang giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược để kìm hãm đà tăng của giá dầu. Họ cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế của Nga từ chính những nước bị cấm vận trước đây.
Chính quyền Biden đang tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, theo nguồn tin từ WSJ. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đã khép lại với một thỏa thuận rằng, mà theo đó nước này có thể khai thác dầu để xuất khẩu.
Có tới 800,000 thùng dầu thô Ural của Nga vẫn đang chảy đến châu Âu thông qua đường ống Druzhba mỗi ngày. Đường ống từ thời Liên Xô này vận chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu ở Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cũng như Ba Lan, Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc. Các nhà phân tích cho biết những quốc gia này sẽ gặp khó khăn lớn nhất nếu có lệnh cấm.
Các nhà máy lọc dầu Trung Âu nằm ở phía nam của đường ống Druzhba có thể nhập khẩu dầu qua đường ống Adria. Đường ống này khởi đầu từ bờ biển Croatia và đã được cải tạo trong những năm gần đây để tăng cường an ninh năng lượng của khu vực. Dầu Ural của Nga nặng vừa phải và có lưu huỳnh, tức có nghĩa nó có thể được thay thế bằng các loại dầu như Arab Medium của Ả-rập Xê-út và hầu hết các loại dầu thô được sản xuất ở Iraq.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua dầu Nga ở mức giá chiết khấu. Việc vận chuyển từ cảng của Nga tới Ấn Độ khá khó khăn về phương diện logistics, và một số nhà máy ở khu vực này cũng không đủ khả năng để lọc được dầu Ural.
Trung Quốc chưa bao giờ nhập hơn 500,000 thùng dầu Ural mỗi ngày, theo bà Sen. Nếu phải mua toàn bộ phần dầu mà Nga thường xuất khẩu tới châu Âu trước khi cuộc chiến nổ ra, Trung Quốc sẽ phải mua thêm 2.7 triệu thùng/ngày – một kịch bản phi thực tế.
Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu của Nga còn gặp tình cảnh khó khăn vì họ đã hết chỗ chứa dầu, các thương nhân cho biết. Dầu thô Sokol của Nga đang được chào bán giảm giá khoảng 14 USD/thùng, họ cho biết.
Đà tăng của giá dầu có tiếp diễn hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của OPEC. Nhóm này liên minh với Nga và các nước khác, được gọi là liên minh OPEC+, để tạo chốt chặn trên trên thị trường dầu trong năm 2017 và khi giá dầu tụt dốc trong năm 2020.
Tuần trước, liên minh OPEC+ vẫn quyết định giữ nguyên mức nâng sản lượng 400,000 thùng/tháng, mặc cho những lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ phía Mỹ. Các chuyên viên phân tích cho rằng OPEC+ có thể đổi lập trường nếu như Ả-rập Xê-út và các Tiểu Vương quốc Ả-rập (UAE) lo ngại mức giá 130 USD/thùng sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng dầu.
"Nếu OPEC muốn ổn định thị trường, họ không thể làm điều đó với Nga", ông Horsnell cho biết. "Nga là nguyên do dẫn tới sự gián đoạn. Nga chính là cội nguồn gây ra rắc rối hiện tại".
Tác giả bài viết: Vũ Hạo (Theo WSJ) - FILI
Nguồn tin: vietstock.vn