Sau nửa năm thăng hoa, VN-Index quay đầu trở thành một trong những chỉ số chứng khoán “tệ” nhất Thế giới trong tháng 7
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE chỉ đạt 19.862 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với tháng trước.
Nửa đầu năm 2021 chứng kiến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index liên tiếp chinh phục đỉnh cao mới và kết thúc phiên giao dịch 30/6 tại 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với đầu năm. Mức tăng trên đã giúp VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm.
Tuy vậy, bước sang tháng 7, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh khá mạnh và có lúc VN-Index về sát mốc 1.200 điểm. Dù hồi phục đôi chút về cuối tháng và leo lên mốc 1.310,05 điểm vào phiên 30/7, nhưng so với tháng trước VN-Index vẫn giảm gần 7%. Thống kê từ Stockq, mức giảm gần 7% đã đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất Thế giới trong tháng.
VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán "tệ" nhất thế giới trong tháng 7
Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm chốt tháng 7 là 1.310,05, định giá P/E VN-Index chỉ còn 16,7 lần, "hạ nhiệt" đáng kể so với mức 19,2 lần được thiết lập vào cuối tháng 6.
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE chỉ đạt 19.862 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với tháng trước.
Thanh khoản HoSE sụt giảm trong tháng 7
Việc thị trường bất ngờ đảo chiều trong tháng 7 có nguyên nhân không nhỏ từ diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, khiến 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP.HCM phải giãn cách xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, từ đó tác động tới tâm lý giới đầu tư.
Trong báo cáo nhận định, nhiều tổ chức đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam do tình hình dịch bệnh. Trong báo cáo gần đây, CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 chỉ còn 5,5%, thay vì mức 6,7% như trước đó.
Tương tự, Dragon Capital đánh giá đợt dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn cả 3 đợt trước cộng lại. Với chủng mới Delta, việc dự đoán tình hình rất khó, các dữ liệu trong giai đoạn trước của Việt Nam gần như không áp dụng được với với chủng Delta này. Do mức độ phức tạp của chủng virus Delta, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có.
Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô năm 2021 của Việt Nam (Nguồn: Dragon Capital)
Bên cạnh yếu tố dịch bệnh, hoạt động chốt lời mạnh của giới đầu tư cũng là nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm. Trong nửa đầu năm 2021, chứng khoán Việt Nam đã bứt phá mạnh và việc nhà đầu tư có lãi 40% - 50% không phải là điều hiếm gặp. Với mức sinh lợi lớn như vậy, nhà đầu tư có xu hướng chốt lời bảo vệ thành quả, dẫn tới sự điều chỉnh của thị trường.
Điểm sáng giao dịch khối ngoại và dòng vốn ETF
Dù thị trường giao dịch không thực sự tích cực trong tháng 7, tuy nhiên vẫn xuất hiện những điểm sáng từ dòng vốn ngoại khi họ trở lại mua ròng gần 5.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, sau khi đã bán ròng kỷ lục hơn 31.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Lực mua ròng của khối ngoại có đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETF ngoại, nổi bật trong đó là Fubon FTSE Vietnam ETF khi hút ròng 175 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng) và toàn bộ số tiền đã được giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.
Dù mới thành lập từ tháng 3/2021 nhưng Fubon FTSE Vietnam ETF đã hút vốn khá mạnh và quy mô danh mục hiện đã lên hơn 550 triệu USD (gần 13.000 tỷ đồng) và là một trong những quỹ ETF lớn nhất trên thị trường Việt Nam.
Cùng với Fubon, quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng hút ròng 9,9 triệu USD trong tháng 7. VNM ETF giải ngân khoảng 65% vào cổ phiếu Việt Nam, do đó ước tính quỹ đã mua ròng khoảng 6,4 triệu USD (khoảng 150 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam trong tháng qua.
Ngoài ra, quỹ CUBS ETF mới được thành lập trong tháng 6 cũng hút ròng khoảng 5 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng) và giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 7.
Chung xu hướng với các quỹ ETF ngoại, các quỹ ETF nội cũng hút tiền khá tốt trong tháng 7. Trong đó, DCVFM VN30 ETF hút ròng 281 tỷ đồng; DCVFM VNDiamond ETF hút ròng 223 tỷ đồng; SSIAM VNFinLead ETF hút ròng 22 tỷ đồng và toàn bộ số tiền đã được giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.
Sự trở lại của dòng vốn ngoại, nổi bật là các quỹ ETF đã góp phần nâng đỡ thị trường, ổn định tâm lý giới đầu tư trong bối cảnh áp lực bán gia tăng trong tháng vừa qua.
Tác giả bài viết: Minh Anh - Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nguồn tin: Cafef.vn