Giữ nguyên quy định mức trần chi phí lãi vay 30% đối với giao dịch liên kết

10/11/2020 | Tin Chứng khoán
Nghị định số 132/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/11/2020 tiếp tục kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP về quy định khống chế trần lãi vay...

Cụ thể, theo hướng quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DN có giao dịch liên kết không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ, cộng với lãi vay phát sinh trong kỳ, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, khi xác định tổng chi phí lãi vay trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn 30%. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Việc khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 30% không áp dụng đối với khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các DN vay lại; các khoản vay chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước như nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác.

Nghị định cũng quy định rõ, các chi phí của giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ, đó là các chi phí sau:

Một là, các chi phí thanh toán cho bên liên kết không thực hiện bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; không có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người nộp thuế;

Hai là, các chi phí thanh toán cho bên liên kết có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng quy mô tài sản, số lượng nhân viên và chức năng sản xuất, kinh doanh không tương xứng với giá trị giao dịch mà bên liên kết nhận được từ người nộp thuế;

Ba là, các chi phí thanh toán cho bên liên kết là đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế TNDN, không góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Nghị định cũng quy định về các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết khi chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế TNDN với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong kỳ tính thuế; người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá trị giao dịch liên kết nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng; người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực phân phối từ 5% trở lên; sản xuất từ 10% trở lên; gia công từ 15% trở lên.

Theo Tổng cục Thuế, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đã quy định người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro chuyển giá thấp được áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết nhằm giảm gánh nặng chi phí tuân thủ đối với cả doanh nghiệp và cơ quan thuế; đồng thời đã mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế đó là nhà ở xã hội, giải quyết được tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hộ có vốn mỏng không phải vay từ các nguồn vay ưu đãi khác;  Bên cạnh đó, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp cam kết quốc tế tại các Diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định cũng đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ thuế TNDN, tránh thất thu ngân sách nhà nước, nên đã đưa ra quy định về điều kiện để các khoản chi phí dịch vụ thanh toán cho bên liên kết được trừ vào chi phí tính thuế trong kỳ và các khoản chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. 

Theo các chuyên gia, Nghị định được ban hành quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Việc xác định chi phí lãi vay thuần được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay thuần và chi phí khấu hao. Như vậy, ngưỡng khống chế đã được giữ ở mức 30% và khái niệm chi phí lãi vay được sửa thành chi phí lãi vay thuần (tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay).

Nguồn tin: tapchichungkhoanvietnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây