Fed có thể mua chứng chỉ quỹ để hạn chế đà giảm sốc của TTCK

31/03/2020 | Tin Chứng khoán
Chính phủ Mỹ quyết định tung gói cứu trợ 2.000 tỷ USD để chống dịch Covid-19, đây có thể được xem là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn ngắn hạn hiện tại...

Cùng với đó, các giải pháp cho chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian gần đây cũng bơm mạnh tiền ra ngoài thị trường, đặc biệt Fed có thể sẽ tiến hành mua vào chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF nhằm hạn chế đà giảm sốc của TTCK. Ðây là giải pháp mà NHTW Nhật Bản đã thực hiện.

TTCK Mỹ đã hồi phục mạnh trong tuần giao dich vừa qua với ba phiên tăng mạnh liên tiếp. Chỉ số Dow Jones chốt tuần tăng 13% so mức đóng cửa của tuần trước đó, đặc biệt xu hướng ngắn hạn của chỉ số Dow Jones cũng được nâng lên mức tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn trên TTCK Mỹ đã có chiều hướng giảm dần.

Ðồng thời, các chỉ số lớn tại TTCK châu Á như chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Taiex của Ðài Loan cũng đã có tuần hồi phục mạnh và xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn.

Diễn biến này cho thấy, rủi ro cũng đã có chiều hướng giảm khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và có chiều hướng tích cực tại khu vực châu Á.

Diễn biến các chỉ số chứng khoán (Nguồn: Tradingview).

Diễn biến các chỉ số chứng khoán (Nguồn: Tradingview).


Thống kê lịch sử ở các thời điểm xảy ra khủng hoảng lớn trên chỉ số Dow Jones cho thấy, mức trung bình của đà giảm là 53,15% và khoảng thời gian trung bình xảy ra là 653 ngày.

Hiện tại, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến chỉ số Dow Jones giảm 36,12% từ mức đỉnh so với mức thấp nhất trong tháng 03/2020 và số ngày giảm mới chỉ có xảy ra trong 28 ngày.

Ðiều này có thể lý giải tâm lý lo ngai từ dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng quá nhanh và quá mạnh đến TTCK so với các sự kiện dịch bệnh đã từng xảy ra trong quá khứ.

TTCK Ðông Nam Á đang bị chiết khấu mạnh nhất, bất chấp là thị trường hưởng lợi từ làn sóng FDI mạnh mẽ.

Tính từ thời điểm đỉnh tháng 04/2018 của TTCK Việt Nam, các chỉ số VN-Index và SET-Index đã giảm trung bình 40% so với mức đỉnh tháng 04/2018, trong khi đó chỉ số S&P500 chỉ giảm 1,56% và chỉ số Shanghai giảm 12,36%.

Mặc dù mức chiết khấu lớn, nhưng đà hồi phục ở các TTCK Ðông Nam Á cũng rất chậm so với các TTCK phát triển khác cho thấy, dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại khu vực Ðông Nam Á, trong khi tình hình kiểm soát dịch bệnh đang tốt hơn hẳn so với khu vực châu Âu và Mỹ.

Chính phủ nhiều quốc gia đã sử dụng nhiều giải pháp bằng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế và TTCK chống lại đà suy thoái do dịch bệnh Covid-19.

Mức định giá thấp của cổ phiếu tại các thị trường mới nổi và thị trường cận biên sẽ là động lực để các quỹ tìm cách gia tăng tỷ trọng tiền mặt bằng việc giảm tỷ trọng Hedge ở các cặp tỷ giá hoặc vàng để tránh áp lực bán các cổ phiếu  đã quá rẻ hoặc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường cân bằng trở lại trong ngắn và trung hạn.

Tại TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index hồi phục về lại vùng kháng cự ngắn hạn 695 - 710 điểm, đây là vùng kháng cự mạnh. VN-Index vẫn trong xu hướng giảm ngắn hạn cho nên chúng tôi đánh giá thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.

Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam là 3,82%. Con số này cho thấy, mức độ tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại lớn lên nền kinh tế, nhưng có thể thấy đây là bức tranh khả quan hơn so với các nền kinh tế khác.

Chúng tôi cho rằng chiến lược phù hợp hiện tại vẫn là đứng ngoài thị trường và chờ cơ hội giải ngân hoặc xu hướng tăng được xác nhận trở lại nếu chỉ số VN-Index vượt được hoàn toàn mức kháng cự 710 điểm.

Nguồn tin: tapchichungkhoanvietnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây