Bức tranh kinh doanh năm 2021 dần hé lộ

26/01/2022 | Tin Chứng khoán
Khép lại năm 2021 đầy thăng trầm của kinh tế Việt Nam, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần hé lộ thông qua báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2021. Dù đều chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng so với năm 2020.
 

Những điểm sáng

Những doanh nghiệp có lãi sau thuế tăng mạnh nhất năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Nhờ giá thép tăng “nóng” trong giai đoạn nửa đầu năm, đa phần các doanh nghiệp thép đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2021. Trong những doanh nghiệp thép đầu tiên công bố BCTC, Thép Mê Lin (HNXMEL) và Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) là 2 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất.

Đối với TIS, doanh thu thuần và lãi ròng lũy kế của công ty lần lượt đạt gần 12,858 tỷ đồng và hơn 122 tỷ đồng, tăng 34% và gấp 16.5 lần kết quả năm trước. Còn với MEL, dù doanh thu giảm hơn 29%, nhưng nhờ giá vốn được kéo giảm gần 37%, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 63 tỷ đồng, gấp 7.5 lần.

Bên cạnh thép, một số nguyên vật liệu khác cũng tăng giá mạnh trong năm qua, điển hình là hạt nhựa. Nhờ giá hạt nhựa tăng cao do biến động giá dầu, cộng với nguồn hàng tồn kho giá thấp có sẵn, CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD (HOSE: HCD) báo cáo lợi nhuận sau thuế năm 2021 gấp gần 35 lần so với năm 2020, với hơn 48 tỷ đồng.

Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) đang là đơn vị báo lãi ròng 2021 lớn nhất trên sàn tính đến thời điểm 21/01/2022.

Những doanh nghiệp lãi nhiều nhất năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại
Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Cụ thể, trong năm 2021, DGC lãi ròng gần 2,389 tỷ đồng, gấp 2.6 lần kết quả năm 2020. Kết quả này đạt được là nhờ doanh thu của công ty không bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hơn nữa, chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí điện năng được tiết giảm đáng kể do khai trường 25 đã được đưa vào khai thác, cộng với công nghệ sản xuất cũng được đổi mới.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản đã công bố BCTC hiện tại, Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) và Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) đang là 2 doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao nhất. Trong khi lãi ròng của PDR tăng 53%, lên 1,865 tỷ đồng, thì lãi ròng của IJC tăng đến 68%, ghi nhận gần 621 tỷ đồng.

Mặt khác, dù giảm so với năm 2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Điển hình là 3 doanh nghiệp nhiệt điện gồm Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) và Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) đã góp mặt trong 15 đơn vị báo lãi ròng 2021 lớn nhất trên sàn tính đến thời điểm 21/01/2022, dù lợi nhuận giảm lần lượt 15%, 63% và 70% so với năm trước.

Tông trầm

Dù có nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực, 2021 vẫn là năm đan xen nhiều yếu tố tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp may mắn có lãi, song kết quả lại suy giảm đáng kể so với năm trước.

Những doanh nghiệp có lãi sau thuế giảm mạnh nhất năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Doanh nghiệp có mức giảm lợi nhuận lớn nhất hiện tại có thể kể đến Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB). Do không có dự án dầu khí lớn trong năm 2021, PVB chỉ duy trì hoạt động “cầm chừng” trong suốt cả năm. May mắn cho công ty là nhờ khoản thu nhập khác gần 30 tỷ đồng gồm 17 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình và 13 tỷ đồng các khoản khác, PVB đã thoát lỗ trong năm 2021, với hơn 335 triệu đồng lãi sau thuế.

Đối với Bibica (HOSE: BBC), trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp bánh kẹo này đã phải báo lỗ trong quý III do việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, sức mua giảm mạnh, cùng với đó là chi phí tăng cao do thực hiện “3 tại chỗ”. Cộng với kết quả quý II và quý IV đều đi lùi, BBC chỉ lãi gần 22 tỷ đồng trong năm 2021, giảm 77% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của BBC trong vòng 13 năm qua.

Tuy ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp nhiệt điện cũng ghi nhận kết quả không mấy khả quan do giá điện và sản lượng hợp đồng Qc giảm khiến doanh thu đi lùi. Hai doanh nghiệp nhiệt điện công bố báo cáo sớm là Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) và Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND) đều lần lượt báo lãi sau thuế giảm 72% và 70% so với năm trước, còn hơn 287 tỷ đồng và 443 tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp may mắn có lãi, nhiều doanh nghiệp đã phải báo lỗ sau 1 năm hoạt động. Đa phần các doanh nghiệp báo lỗ đều là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Những doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Điển hình cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do COVID-19 chính là Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) khi công ty vận tải này báo lỗ liên tiếp 3 quý cuối năm. Công ty cho biết, trong quý cuối năm, dù quy định giãn cách đã được nới lỏng, một số tuyến của công ty vẫn phải ngưng hoạt động do yêu cầu của địa phương. Ngoài ra, tâm lý e ngại dịch bệnh cũng khiến lượng khách hàng của công ty giảm đi đáng kể. Kết quả, SKG lần đầu tiên báo lỗ với mức lỗ ròng gần 39 tỷ đồng (năm 2020 lãi gần 23 tỷ đồng).

Một số doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tương tự có thể kể đến như Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC), Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS), Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD), Du lịch Hương Giang (UPCoM: HGT) và Dịch vụ Du lịch Bến Thành (UPCoM: BTV) cũng lần lượt báo lỗ ở mức gần 97 tỷ đồng, hơn 87 tỷ đồng, gần 36 tỷ đồng, hơn 31 tỷ đồng và gần 24 tỷ đồng.

Riêng đối với RIC, khả năng cao cổ phiếu của công ty sẽ bị hủy niêm yết sau khi BCTC kiểm toán năm 2021 được công bố do thuộc trường hợp đã lỗ 3 năm liên tiếp.

Mức lỗ lớn nhất trong năm 2021 tính đến hiện tại là Truyền thông VMG (UPCoM: ABC). Tuy nhiên, đây là trường hợp đặt biệt khi kết quả thua lỗ của công ty chủ yếu do ảnh hưởng của án phạt. Cụ thể, trong phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore cho vụ tranh chấp giữa Global Payment Server/UTC Investment (GPS/UTC) và ABC, ABC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền tương đương 626 tỷ đồng. Số tiền này đã được ABC hạch toán vào chi phí dự phòng thuộc khoản mục chi phí quản lý, qua đó chi phí quản lý tăng lên gần 652 tỷ đồng, gấp 2.6 lần năm trước. Cộng với việc doanh thu giảm gần 55%, công ty báo lỗ hơn 580 tỷ đồng (năm 2020 lỗ hơn 181 tỷ đồng).

Với những kết quả đã được công bố cho đến nay, tuy vẫn có nhiều doanh nghiệp báo lãi giảm, thậm chí báo lỗ, nhưng trong bức tranh tổng thể, các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng vẫn chiếm đa số. Điều này cho thấy tuy năm 2021 là một năm đầy biến động nhưng các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã thích nghi kịp thời và đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi.
 

Tác giả bài viết: Hà Lễ - FILI

Nguồn tin: vietstock.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây